ĐẶC SẢN MIỀN TÂY SÔNG NƯỚC
 
Đến với Miền Tây, du khách không chỉ tham quan cảnh đẹp của vùng đất Chín Rồng mà còn là để khám phá nền văn hóa ẩm thực cũng xuất hiện từ rất lâu đời ở đây. Giống như nhiều vùng miền khác, ẩm thực Miền Tây phong phú và đa dạng, mang đậm nét đặc trưng của sông nước miền Tây. Mỗi món ăn như vậy đã đóng góp cho danh sách những món ăn đặc sản Miền Tây ngày một dồi dào, đặc sắc.
Ẩm thực Miền Tây, theo nhận xét của nhiều du khách, đó là sự kết tinh từ các món ăn đặc sản từ nhiều địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi món ăn được làm theo một cách riêng, chế biến riêng nhưng đều có chung một điểm là mang nét văn hóa ẩm thực miền sông nước. Mỗi món là một sắc thái hương vị khác nhau, nhưng tất cả đều hấp dẫn thực khách.
Du lịch miền Tây ngoài khoảng thời gian tham quan chợ các điểm du lịch nổi bật Miền Tây Sông Nước, Quý khách cũng có thể tìm thấy những món ăn ngon của Miền Tây. Sau đây Viet Asia Travel xin giới thiệu sơ qua về một vài món ngon đặc sản ở Miền Tây để Quý khách biết, khi về Cần Thơ có thể tìm để thưởng thức:
 
 
 
  
 
Bánh cống (bánh cóng) có hình ống thấp, hoặc tròn hơi phồng. Gọi là bánh cống (hay cóng) vì khuôn bánh là một dụng cụ đo lường có hình ống. Bánh cống được làm bằng bột gạo. Gạo lúa mùa được ngâm qua hai đêm rồi mới đem xay, sau đó bồng trong túi vải cho bớt nước, rồi tùy gạo mà người ta sẽ pha nước muối loãng ngâm thêm bột qua một hai đêm nữa cho bột thật đậm đà rồi mới sử dụng. Sau đó, bột gạo đem trộn với đậu xanh hột, tôm thịt băm. Bánh chiên giòn bên ngoài, bên trong mềm xốp; được ăn cùng các loại rau sống và nước mắm chua cay. 
 
 
  
 
Nem nướng thì vùng đất nào cũng có, nhưng mỗi nơi lại mang một hương vị, sắc thái riêng gắn với con người và thổ nhưỡng nơi đó. Nem nướng Cần Thơ ngon nhất vẫn là làm từ thịt lợn tươi, quết dẻo rồi vo tròn nướng trên than hồng. Từng viên nem tròn trĩnh, xâu bởi thanh tre chuốt nhỏ, mướt rượt mỡ, vàng rượm do được nướng khéo. Tuốt nhẹ một cái, những viên nem đã nằm gọn trong đĩa, bên cạnh rê bánh hỏi trắng tinh, ăn cùng với bánh tráng, rau sống, chấm thật đậm trong chén nước tương xay. Nếu không quen vị tương xay ngọt với đậu phộng thì hoàn toàn có thể yêu cầu nước mắm chanh tỏi ớt. Món nem nướng Cần Thơ thường ăn kèm với rau thơm, chuối chát, dưa leo, dứa, khế…
 
 
  
 
Khác biệt so với những khu vực khác, món vịt nấu chao Cần Thơ luôn chọn vịt xiêm làm nguyên liệu chính. Vịt xiêm nhiều thịt, ít mỡ để giảm ngấy cho người ăn. Sau khi sơ chế, đầu bếp sẽ tẩm ướp gia vị cho thật đậm đà. Hương vị đậm đà sẽ ngấm vào từng sớ thịt lan toả đến vị giác của thực khách. Và tất nhiên chao là thành phần không thể thiếu trong món ăn này. Nguyên liệu này tôn lên vị béo thanh không quá ngậy, mang đến hương vị đậm đà khác biệt. Ngoài ra, các đầu bếp dày dặn kinh nghiệm ở đây sẽ khử mùi hôi của vịt một cách triệt để. Thực khách sẽ không cảm thấy khó chịu khi thưởng thức món ăn này như một số quán ăn khác. Để tăng vị ngọt tự nhiên, món vịt nấu chao sẽ được thêm vào một số thành phần như nấm rơm, huyết, khoai môn, đậu hủ,… Tất cả mang đến một vị ngon khó cưỡng được trong từng nguyên liệu. Món ăn này thường sẽ ăn kèm với rau, bún và mì như món lẩu.
 
 
  
 
 
Đây là món ăn có từ khi đất phương Nam được khai phá. Cá lóc nướng với rơm mang vị ngon đậm đà, là món ăn mà du khách thập phương đến với Cần Thơ đều muốn thưởng thức. Cá lóc nướng phải đợi đến sau mùa nước nổi thì cá mới béo, ngon. Nên chọn những con cá lóc cỡ cườm tay để cá có thể chín đều khi nướng. Lấy một thanh tre, đâm xuyên thanh tre từ đầu cá đến tận đuôi cá - Cắm thanh tre xuống đất để đầu cá hướng xuống, chất rơm rạ xung quanh, đốt lủa nướng cá đến khi tàn rơm thì cá chín. Chuẩn bị sẵn lá sen, lá chuối... làm mâm đặt cá chín lên. Dùng cá với các loại rau sống chấm muối hột đâm nhỏ với ớt hiểm, ớt sừng trâu hoặc pha nước mắm tỏi ớt, công phu hơn thì làm chén mắm nêm... Ăn món này người ta thường thích dùng tay để bốc mới cảm nhận hết vị hương đồng dân dã...
 
 
  
 
Sự hấp dẫn của lẩu bần không chỉ nằm ở cái tên “trái bần” đồng quê dân dã mà chính là hương vị rất đặc trưng của món ăn. Vị chua của lẩu bần rất thanh và dịu. Nồi lẩu ngon, phải dùng bần chín bởi bần sống sẽ làm cho nồi lẩu có vị chát. Cũng có thể biến tấu các loại thực phẩm chính để nấu lẩu bần. Tùy theo mùa, đó có thể là các loại cá da trơn như cá tra, cá ba sa, cá ngát hoặc cá điêu hồng... sang hơn khách có thể thưởng thức món lẩu bần nấu ba ba, cua đinh. Vào mùa nước nổi, rau ăn kèm với lẩu bần ngoài bông so đũa, bắp chuối hột, cọng bông súng và một số loại rau canh chua thông thường khác như bông điên điển, rau muống… 
 
 
  
 
Đây là món ăn độc đáo của Miền Tây. Ốc được luộc qua trước khi cho lên nướng, nêm mắm, tiêu, và tỏi. Ốc được luộc sơ cho rồi bỏ lên lửa than nướng, vừa nướng vừa bỏ nước mắm đã làm sẵn gia vị như tiêu, tỏi, bột ngọt… khi thấy nước bên trong con ốc sôi lên, hơi cạn xuống thì cho vào đĩa lót rau răm thơm phức. Ốc nướng như vậy rất vừa ăn, hơi cay, vừa ngọt mặn, vừa giòn, ăn thịt rồi mà húp nước ốc cũng rất tuyệt. Hoặc ốc được nướng tươi sống trong lúc nướng cho nước mắm, lại có vị chua cay gia vị vào, nướng cho đến khi hơi khét vỏ thì mùi thơm của nó càng hấp dẫn hơn, khi ăn rất giòn. 
 
 
  
 
Bánh xèo thì miền nào cũng có, tuy nhiên, bánh xèo Miền Tây lại mang một hương vị rất riêng. Nguyên liệu để làm bánh xèo là bột gạo pha với nước cốt dừa, nghệ, tôm, thịt... Bánh xèo cuốn bánh tráng ăn kèm với các rau sống (cải bẹ xanh cay, xà lách, rau thơm tía tô, húng quế, húng lủi, dấp cá, chuối chát, khế cắt lát mỏng dài...). Tùy khẩu vị, thực khách có thể chấm bánh xèo với nước mắm hay tương… 
 
  
 
 
Muốn bánh ngon phải lựa nếp thật tốt, không lẫn gạo tẻ mới làm cho đòn bánh dẻo, ngâm với lá cẩm để có màu tím tự nhiên. Lá cẩm phải tươi, lá úa sẽ làm cho nước lá cẩm xuống màu. Thịt làm nhân phải là thịt tươi, ướp cho thịt tẩm thấm. Sau đó, cho nếp xào với nước cốt dừa trước khi gói. Bánh nấu từ 4 đến 5 tiếng là chín. Cắt bánh, vành ngoài ánh lên một màu tím mượt mà của nếp, bên trong là thịt, lòng đỏ trứng vịt muối, mỡ và đỗ tỏa mùi thơm. Cắn một miếng bánh tét màu tím, nếp dẻo và cái vị ngọt của thịt, của hương thơm trứng muối như đọng trong đầu lưỡi. Nó khác với những đòn bánh tét đậu trắng, đậu đen nhân mỡ hành, nhân chuối theo kiểu truyền thống của người Việt.
 
 
  
 
Bánh canh là một món ăn ngon và khi xuống miền Tây, ghé Trà Vinh, Quý khách phải ăn cho bằng được tô bánh canh Bến Có ở địa chỉ Ấp Bến Có, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành. Bánh canh Bến Có, như nhiều người nói về nó, đó là món ăn phải “ngon tự nhiên, tự nhiên mà ngon”.
Bánh canh Bến Có cũng giống như nhiều loại bánh canh khác khi mà bột bánh canh vừa dẻo vừa dai đi cùng với nước lèo thơm ngon và một số nguyên liệu khác như thịt nạc hay xương, huyết heo, lưỡi, tim, gan, phèo, bao tử... Ăn một tô bánh canh Bến Có, người nói “chắc phải nhớ cả đời” vi mùi vị nó thơm ngon quá đỗi. Du lịch Trà Vinh nhất định không bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức đặc sản bánh canh Bến Có, Quý khách nhé.
 
 
  
 
Một món ăn đặc sản ngon của Đồng Tháp mà bất kỳ dân nhậu nào cũng điều thèm thuồng, ham muốn ăn cho bằng được. Chuột quay lu thường là những con chuột mập mạp, còn sống và phải nhổ lông chứ không được cạo để giữ cho thịt luôn được tươi ngon, đậm đà nhất. Một điểm đặc biệt đáng chú ý nhất khi chế biến món ăn này là quy định lột da chuột, nước dùng để lột da cần được nấu chín, vừa đủ nóng để da chuột có thể tróc ra, sau đó mới đem nêm nếm với gia vị và một số phụ liệu cần thiết khác rồi mới cho vào một cái khạp lớn, quay đến khi chín.
 
 
  
 
Nhắc tới nem Lai Vung mua về làm quà thì có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến làng nghề Lai Vung - một huyện thuộc tỉnh Đồng Tháp, bởi mua nem Lai Vung ở đây là ngon nhất. Đặc sản Lai Vung có màu đỏ hồng rất hấp dẫn, khi ăn bạn có thể cảm nhận được vị chua, cay, mặn, ngọt trong nem. Món ăn này rất được cánh mày râu và các chị em đều yêu thích mỗi khi tụ tập bạn bè. Đến miền Tây bạn nhớ mua nem Lai Vung về làm quà cho bạn bè nhé!
 
 
  
 
Khô cá là món ăn đặc sản làm quà đã có mặt ở khắp các tỉnh Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, đặc sản khô cá nổi tiếng nhất là ở Chợ Mới, Thoại Sơn, An Giang. Khô cá là cá được đem phơi khô dùng làm thức ăn mà không cần tủ đá nên có thời gian sử dụng khá lâu, có thể để hàng năm mà không bị hỏng.
 
 
  
 
Ẩm thực Châu Đốc nổi tiếng với các loại mắm cá, cho nên, nếu kể đến đặc sản An Giang mà không phải món ăn gắn liền với mắm thì quả thực thiếu sót. Để làm một nồi lẩu, người ta sẽ ninh mắm cá sặc hay cá chốt cho thật nhừ, rồi dùng sả để khử bớt mùi tanh. Tiếp đó là bỏ vào thịt ba rọi, cá basa, cá kèo, cá lóc,... cùng các loại rau củ như cà tím, bông điên điển,... Các thức ăn sau thời gian ninh nóng sẽ thấm đều vị mặn và mùi đặc trưng của nước mắm, hương vị độc đáo khó quên. Đến với An Giang, đừng quên thưởng thức lẩu mắm Châu Đốc trứ danh nhé!
 
 
  
 
Nếu bạn đang phiêu diêu ngắm cảnh tại Sóc Trăng thì nhất định bạn nên thưởng thức và mua bánh pía về làm quà nha. Bởi tại Sóc Trăng thì đây là đặc sản ngon nổi tiếng số 1 tại đây đấy. Bánh pía Sóc Trăng hấp dẫn bởi những lớp vỏ chồng vào nhau một cách rất cầu kỳ, khiến nhớ mãi không thôi. Vì vậy, bạn nhớ mua một ít bánh pía về làm quà nhé, rất ý nghĩa đấy.
 
 
  
 
Nếu hỏi người dân Sóc Trăng rằng nên ăn gì khi tới đây, bạn sẽ được giới thiệu bún nước lèo. Món ăn này có sự kết hợp đầy "ăn ý" của nước lèo ngọt tự nhiên từ tôm cá, mắm bò hóc đậm đà, thịt heo quay vừa mềm vừa thơm. Tất nhiên, bát bún ăn kèm với các loại rau thơm và nước mắm chua cay mặn ngọt mới thực sự trọn vẹn. Món ăn tuy đơn giản, dân dã là thế nhưng lại khiến các thực khách ăn một lần là muốn ăn thêm nữa. Đến Trà Vinh thưởng thức bún nước lèo tại một hàng ăn nhỏ trong chợ mới "đúng điệu" đấy.
 
 
  
 
Đây là một món ăn quen thuộc với người dân miền Tây Nam Bộ, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến hủ tiếu Mỹ Tho. Cũng giống như các nơi khác, một tô gồm nhiều thành phần như sợi hủ tiếu nhỏ dai, thịt lợn, lòng heo, hải sản,... dùng với nước lèo ngon ngọt, đậm đà ninh từ xương, tôm khô, củ cải,... ăn kèm với chút rau sống, giá đỗ. Nhưng hủ tiếu Mỹ Tho đặc biệt hơn ở chỗ, nó được làm bằng gạo Gò Cát - giống lúa đặc sản chỉ riêng vùng đất xã Mỹ Phong, ngoại thành thành phố mới có. Bên cạnh đó, người Tiền Giang còn biết cách nấu nước lèo sao cho thơm ngon nhất, tạo hương vị đậm đà không lẫn vào đâu được. Nếu có dịp qua Tiền Giang, hãy nhớ "để dành bụng" thưởng thức món hủ tiếu "nức tiếng" này.
 
 
  
 
Miền Tây nổi tiếng là xứ của các loại trái cây ngon, đa dạng. Thú vui của trái cây miệt vườn đó là, không gian thoáng đãng, thơm mùi hoa quả tại các nhà vườn. Sau đó, bạn có thể trực tiếp mua hoa quả tại đây mang về làm quà cho người thân. Trái cây được hái trực tiếp từ trên cây xuống thì bạn có thể yên tâm về độ tươi ngon rồi nha. Một số miệt vườn Tây Nam Bộ như: vườn trái cây Vĩnh Kim, miệt vườn Cái Bè ở Tiền Giang, miệt vườn Cái Mơn ở Bến Tre, Cù Lao Quới Thiện ở Vĩnh Long...
 
 
  
 
Kẹo dừa là đặc sản của Bến Tre không chỉ là một món ăn chơi mà còn là đặc sản miền Tây Nam Bộ làm quà biếu người thân, bạn bè. Cũng có thể nói kẹo dừa là một trong những biểu tượng đặc trưng của miền Tây sông nước. Kẹo dừa - Đặc sản miền Tây Nam Bộ khá là đa dạng bạn có thể lựa chọn, như: Kẹo dừa dẻo nước cốt dừa, kẹo dừa dẻo đậu phộng, kẹo dừa cacao, cacao sầu riêng,... Tùy vào sở thích của mỗi người mà bạn có thể lựa chọn mua làm quà.
 
 
  
 
 
Bồn bồn là một loài cây phổ biến tại Cà Mau mùa nước nổi. Nếu ăn sống, nó có vị ngọt và giòn rụm, khiến thực khách ăn một lần là muốn ăn tiếp. Người dân cũng thường hái chúng để muối dưa chua rồi chế biến thành nhiêu món ăn khác nhau như xào tép, xào vọp, chấm ba khía, thịt kho tàu, cá kho tộ,... và đều rất hợp vị giác. Trước đây, bồn bồn được coi là món dã của giới nhà nghèo, nhưng ngày nay, chúng xuất hiện cả trong những nhà hàng, quán ăn lớn, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người dân vùng Đất Mũi.
 
  
 
 
Thêm một món ngon, đặc sản nữa trong danh sách rất nhiều món ngon miền Tây đó là bánh tằm ngan dừa. Với những người dân miền Tây, món bánh tằm khá quen thuộc và nơi nào cũng làm được nhưng để thưởng thức đúng vị ở nơi gọi là “chính gốc” của nó thì phải về xứ Bạc Liêu. Bánh nhìn tưởng như đơn giản, dễ làm nhưng thực tế để làm món bánh tằm này đòi hỏi sự công phu, tính kỹ lưỡng và cả nghệ thuật khéo léo. Bánh tằm ngan dừa được chế biến từ bột gạo lúa mùa nên từng sợi bánh rất thơm ngon, vừa dẻo vừa dai lại được se thủ công nên khi ăn có cảm giác xừn xựt rất thú vị.
Món này thường được ăn kèm với xíu mại, thịt ba rọi và gan heo băm nhỏ. Một đĩa bánh tằm ngan dừa ngon phải có sợi bánh ngon cộng với các gia vị phụ trợ khác như đường, tỏi, hành phi, tiêu… Cho bánh tằm lên dĩa, sau đó cho xíu mại, thịt ba gọi, gan heo, chút rau thơm, giá sống rồi chan nước xốt lên trộn đều là có ngay món bánh tằm ngan dừa thơm ngon. Nếu chưa từng thử món ăn này, Quý khách hãy đến miền Tây mà phải tìm về đúng Bạc Liêu để thưởng thức nhé.
 

  • /files/images/vietasia/1.png
  • /files/images/vietasia/2.png
  • /files/images/vietasia/3.png

Đối tác - Khách hàng